Những tuyệt kỹ luyện gà ở vùng đất ‘chiến kê’ Bình Định
Danh mục
Bình Định được ví là đất võ cũng là nơi sản sinh những “sư kê” với biệt tài luyện những chiến kê “bách chiến, bách thắng”. Gà chọi Bình Định nổi tiếng đến nỗi các tay chơi gà Trung Quốc ráo riết săn tìm.
Bình Định là nơi còn bảo tồn những giống gà chọi thuần chủng.
Gà hay phải có giống tốt
Những “sư kê” lão luyện đều có trong tau những giống gà chọi thuần chủng. Kinh nghiệm nuôi gà nòi và nhân giống có chọn lọc trong dân gian là hết sức phong phú. Nó giống như một mạch ngầm, lưu giữ những nguồn gen quý, không cho bị lai tạp.
Đến ngày hôm nay, nuôi gà chọi trở thành phong trào rộng khắp, từ quy mô trang trại đến phân tán, nhỏ lẻ. Tuy vậy, để thành danh, xếp hạng “sư kê” chỉ trên dưới 30 người.
Tuyển chọn được con mái nòi có đủ các tướng tốt sẽ quyết định thành công.
Một tay nuôi gà chọi muốn trở thành một sư kê có tên tuổi thì phải biết tạo ra dòng gà của riêng mình. “Cho nên phải sống trên vùng đất có truyền thống, kế thừa được kinh nghiệm, học hỏi được bí kíp mới tạo được danh tiếng”, anh Nguyễn Thừa, người có thâm niên 30 năm chơi gà đá ở phường 9, TP Tuy Hòa phân tích.
Là người có tiềm lực, nhưng anh cũng chỉ gầy dựng một trang trại khiêm tốn với vốn đầu tư khoảng 100 triệu đồng, nuôi chừng 60 con trở lại. Thế nhưng đó là những con chiến kê thật sự.
Sư kê lộ bí kíp
Theo anh Nguyễn Thừa tiết lộ, bí kíp nuôi gà chọi chính là chọn được con mái nòi có đủ các tướng tốt cho phối hợp với trống nòi thắng độ, đúc ra bầy con giống. Từ bầy giống đó tiếp tục chọn lựa tạo ra con giống mới, qua vài ba thế hệ ghi chép “kê phả” đầy đủ, nhiều khi mất cả chục năm mới đúc kết được một con mái gốc.
Chỉ những người có mắt tinh đời, lão luyện mới thấy hết đặc tính của một con mái gốc tạo ra các trường phái riêng lừng lẫy như: tiều phu đốn củi, nhơn đầu hổ, thiết diện vô tình…
Xám Thần, một trong những “chiến kê” lừng danh ở miền Bắc. Ảnh minh họa
Mỗi trường phái có đòn độc, đòn hiểm riêng như đá sỏ ngang, đá mé, đá chém, hồi mã thương… Đòn thế hay do chính con mái nòi truyền cho đàn con, nên mới có câu: chó giống cha, gà giống mẹ. Một con mái tốt chỉ đẻ mỗi lứa chừng 7 trứng, con nào đẻ trên 10 trứng coi như gà lai, đều bị loại bỏ.
Trứng phải do chính gà mẹ ấp, không cho ấp trứng nhân tạo. Dòng gà mái này chỉ được nuôi trong gia đình, dòng tộc, coi như “gia bảo”, tuyệt đối không bán, không cho lưu truyền ra ngoài.
Gặp con gà có các thế hiểm như đâm lườn, xỏ dĩa (chui từ bụng lên cánh, giắt ót đá), điệu hổ ly sơn (chạy kiệu), đóng trụ cầu (trên lưng đá dập xuống)… có thể ngay trong một, hai hiệp đầu làm cho gà đối phương mù mắt, gãy cổ, bể lườn, rớt mỏ; con gà đó lập tức được định giá bán tăng cả chục lần.
Công phu luyện gà
Theo ông Lê Văn Đấu- chủ một cơ sở nuôi, bảo tồn giống gen gà chọi, cho rằng: ông Trần Đình Văn (tức Bảy Quéo, ở Thị trấn Bình Định), duy trì tuyển chọn gà chọi có một không hai ở Bình Định.
Hiện ông Đấu nuôi giống gà chọi sinh sản cũng do Bảy Quéo chuyển giao. Giống ở trại gà của ông được Viện Chăn nuôi quốc gia chọn làm nơi bảo tồn giống gen gà chọi quốc gia.
Ông Đấu cho rằng: Nuôi gà chọi giống cũng rất công phu. Sau khi chọn mái tốt cho phối với cồ đá hay. Trong quá trình đẻ trứng cho ăn đủ chất. Khi nở, gà con nuôi thả bình thường, ngoài cho ăn tấm, bột bắp, cám gạo, lúa…hàng tuần cho ăn thêm bột đậu xanh, rau xà lách, lươn con, trứng vịt lộn, lòng đỏ trứng gà, thịt bò…để tránh trường hợp “đói con”- (suy dinh dưỡng lúc còn nhỏ). Như vậy mới đủ dinh dưỡng, để khi lớn lên đủ tiêu chuẩn trở thành “chiến kê” thực thụ, bền bỉ dẻo dai, có sức mạnh vô địch như một võ sĩ.
Khi gà chọi 6 tháng tuổi chỉ cho ăn lúa rửa sạch và nuôi nhốt. Đến 8 tháng tuổi- khi đã tròn tiếng gáy thì cắt tai, cắt tích, cắt lông già. Lúc này bắt đầu huấn luyện gà bằng cách cho đá xổ. Lần đầu 10 phút, lần 2, lần 3 khoảng 10-15 phút, rồi trọn “hồ” (20 phút). Ngoài ra còn tập “chạy lồng” để chân gà khoẻ, dẻo dai.
Lúc này có thể đánh giá được gà đá hay, đá dở, có sanh thế hay không. Ở giai đoạn này nhiều con có thế đá rất độc đáo: đá hầu (đá vào cổ họng, có khi làm đứt thực quản đối phương), đá mồng, mặt (làm đuôi mắt, tím đầu đối phương), đá xỏ ngang (làm đối phương dễ gãy cần (cổ). Có con đá ngang bảng lưng (làm tổn thương phổi đối phương). Gà có sanh thế thì quý hơn nhiều lần gà thuần thế.
Người mua tùy theo thương hiệu trường phái và chiến tích từng con mà có thể trả giá từ chục triệu đến vài chục triệu đồng, có con từng được bán với giá hàng trăm triệu đồng.
Những con chiến kê có giá cao ngất ngưởng đó thường được các tay chơi gà Trung Quốc mua. Những người săn “chiến kê” thường xuyên có mặt tại các trại gà, trường gà ở Phú Yên, sẵn sàng vung tiền mua những con gà độc, đem về tung hoành tại các trường gà lớn ở Quảng Đông, Quảng Tây, kể cả Hồng Kông và Ma Cao.
Xem thêm:
Những điểm yếu trong mình gà nòi mà mọi người cần biết