Những tiếng lóng trong nghề nuôi gà nòi phổ biến

Trong nghề nòi có những tiếng lóng trong nghề nuôi mà những người trong nghề mới hiểu nghĩa được.Càng thuộc những tiếng “lóng” này nằm lòng, việc nuôi càng tăng thêm phần thú vị hơn.

Những tiếng “lóng” mà chúng tôi kể ra dưới đây là những tiếng được dùng phổ thông trong giới nuôi gà cả ba miền đất nước. Còn có những tiếng “lóng” địa phương (số ít) do không phổ biến sâu rộng nên chúng tôi không trình bày ra đây. Mong độc giả thông cảm.

ÁP THỔ : Đây là một thế đá của gà dữ. Dùng cần cổ mạnh bạo của mình gác lên cần cổ địch thủ, đè mạnh đầu xuống cho ngang tầm đá, rồi đá thốc  lên cho gãy cần hay niểng cần, nếu bị trúng đòn, gà kia sẽ chịu không thấu.

BỒNG NƯỚC: Còn gọi là “làm nước” hay “cho nước”. Đá xong một hiệp (còn gọi là một nhang) chủ gà được quyền ôm gà ra ngoài để “làm nước” cho gà được tươi tỉnh mà đủ sức đá hiệp sau. Đây là một nghệ thuật gia truyền, không ai dại gì chỉ vẽ cho nhau. Gà đá xong mệt ngất ngư thế mà gặp người làm nước giỏi, chỉ cần 5 phút sau gà hồi sức rất nhanh. Chuyên viên làm nước lúc nào cũng đem sẵn một hộp đồ nghề gồm có kim chỉ, củ nghệ già, xị rượu đế, ít lá trầu, ít lá ngải cứu, dao, kéo và một gói cơm nguội. Hễ gà bị thương ở đâu thì họ có cách “xử lý” đến đó : như rách da, tét mồng, rớt mỏ thì dùng kim chỉ may vá lại. Sau đó phun rượu tắm sơ rồi vỗ hen, cho ăn chút cơm …

tam-ga

Làm nước cho gà chọi

GÀ CÁ SẤU: Gà có giọng gáy như bị nghẹt họng, gáy không ra hơi, không rõ tiếng, nghe như tiếng cá sấu kêu “nghé ngọ, nghé ngọ”. Đây là giống gà linh, nên chọn nuôi.

CẢN GÀ: Chọn giống tốt cho “phủ” mái dòng để cho bầy con tốt. Từ “cản” ở đây có nghĩa là phủ mái, đạp mái để có bầy con tốt mà nuôi.

CÁP ĐỘ: Chọn hai con gà cân xứng về sức vóc (to nhỏ, cao thấp, đã ăn độ hay chưa ăn độ …) và cựa dài ngắn ra sao để bắt cặp đá với nhau.

CẦN: Cần cổ gà lợi hại như một cánh tay. Cần càng to, chắc, mạnh gà càng chịu đòn giỏi khi xáp trận.

CÓNG ĐỘ: Gà nuôi lâu ngày không có dịp để xổ, đá nên khi ra trường trông điệu bộ lóng ngóng, đòn thế không ra gì. Gà này cần được nuôi lại đúng phương pháp mới dùng được.

GÀ CÚP: Gà đuôi còi cọc, cụt ngủn do bẩm sinh như vậy. Thường thì có tật có tài, nhưng cũng nên xổ thử nhiều lần xem sao. Thông thường gà cụt đuôi khi đá ưa té ngược ra sau, vì thế không đứng vững.

MAU CỰA: Gà con tơ mà cựa đã lú dài.

GÀ CỰA: Giống gà nòi có cựa dài tối đa đến bốn năm phân. Mình gà nhiều lông như gà tàu, chân nhỏ, nặng tối đa 4 ký. Tài nghề của gà cựa lợi hại ở bộ cựa, có thể đâm chết tươi địch thủ, nếu trúng chỗ hiểm.

ga-cua

Gà cựa

CHẠNG GÀ: Gà nòi có 4 chạng là ngoại chạng, chạng nhất, chạng nhì, chạng ba. Chạng ngoại hạng nặng trên 5 ký, chạng nhất trên 4 ký, chạng nhì nặng trên 3 ký, chạng 3 nặng từ 3 ký trở xuống. Như vậy chạng có nghĩa là vóc dáng của con gà to nhỏ ra sao, căn cứ vào đó mà sắp hạng. Ngày nay đa số dân chơi gà thích nuôi gà chạng ba, vì dễ tìm gà đồng chạng mà cáp độ.

CHẠY LỒNG : Dùng hai cái bội đan lỗ nhỏ bằng cái chén để gà đút đầu qua không lọt. Bội nhỏ nhốt một gà, bội lớn úp bên ngoài sao cho khoảng cách giữa hai vách bội cách nhau ít lắm cũng 7 phân để hai gà không xói mổ được nhau. Con gà kia thả rông bên ngoài. Thế là hai gà con trong con ngoài chạy vòng vòng chung quanh bội hầm hè cự nhau. Cách tập luyện này làm cho gà bền sức. Nên cho chạy lồng buổi sáng, vài ngày chạy một lần tối đa một giờ. Lần sau đổi con ngoài vô trong, con trong ra ngoài.

chay-long-ga-choi

Chạy lồng gà chọi

CHỒNG CỰA: Dùng vỏ cựa thật của con gà đã chết (lựa cựa dài và tốt), hoặc cựa giả bằng thép, chồng lên cựa gà sống cho cặp cựa dài thêm để đâm “cho ngọt”. Cách đá này mau ăn thua, nhưng phản nghệ thuật, lại ác đức không nên dùng. Nghệ nhân chân chính không nên dùng cách này.

DẦM CẲNG : Ngâm cẳng gà vào nước thuốc để cẳng được săn chắc, gân guốc. Thuốc này có thể mua tại các hiệu thuốc bắc, hay xin toa các ổng thầy dạy võ thiếu Lâm. Có thể tự mình pha chế theo công thức : nước tiểu trẻ trai, một ít phèn chua, củ nghệ thật già đâm nhỏ, một ít muối hột ngâm trong cái khạp nhỏ để dùng dần. Mỗi lần dùng múc ra vào lon sữa bò đổ vào một cái siêu, cho gà đứng vào sao cho ngập đến gối là được. Nên giữ cho gà đứng yên khoảng nửa giờ. Một tuần ngâm một hai lần càng tốt. Sau khi ngâm nên đem gà ra ngoài rửa sạch cẳng.

dam-cang-cho-ga

 

VÔ DĨA : Còn gọi là vô vĩa. Đây là một thế đá gà chui vào cánh của địch thủ vừa để né đòn, vừa để nghỉ sức. Khi thuận tiện thì ngóc đầu lên khỏi nách cánh để cắn vào cần địch thủ làm điểm tựa, rồi tung chân lên đá vào ức, vào bầu diều. Thế đá này rất độc có khi làm gãy cánh địch thủ. Thế này có hai cách là vĩa tối và vĩa sáng. Vĩa tối là chui lòn vào cánh địch thủ để cắn mổ lườn, nách, đùi địch thủ. Vĩa sáng là cách vừa trình hày ở trên. Có lẽ gọi là dĩa thì đúng hơn, vì hai gà cứ xoay tròn với nhau như vòng tròn mặt dĩa vậy.

ĐÁ SỎ : Cắn mồng địch thủ làm điểm tựa rồi tung đòn (thường song phi) đá vào yết hầu, vào hàm dưới, hoặc vào cần cổ. Nếu trúng đòn đau gà kia sẽ la toáng lên và bỏ chạy. Gà cựa mà đá đòn này, nếu trúng đòn đối thủ không chết cũng bị đui.

Đá sỏ

ĐÒN NẠP: Đá mạnh vào địch thủ bằng những cú song phi, cú nào cú nấy rất đích đáng.

GÀ ĐÒN: Gà Đòn có những đặc điểm khác hẳn với gà Cựa. Gà Đòn vóc dáng cao to, thân hình chắc nịch, ít lông nhất là phần cổ và đùi; chân to cao, cựa ngắn và tà đầu. Khi đá gà Đòn chủ yếu dùng sức.

ĐỘ TIỀN: Chi những cái vảy tròn, no đầy, đóng một hàng từ góc ngón nội lên đến mí cựa. Gà nào vảy độ tiền đóng không tới mí cựa là gà đá thua nhiều hơn thắng, nên loại bỏ đừng nuôi tốn lúa.

ĐỘC CƯỚC: Gà đá từng cái một, khi chân này, khi chân khác, nhưng đá cú nào chắc nịch cú nấy.

ĐỘC LONG:  Đúng ra phải gọi là “độc nhãn long”. Gà chỉ có một mắt do bẩm sinh mà có,đây là loại gà dữ.

ga-o-doc-long
Gà ô độc long

ĐOẢN THIỆT: Gà lưỡi ngắn bẩm sinh, tưởng chừng không có lưỡi. Có nơi gọi là gà “lưỡi rùa”. Đây là giống gà linh, hiếm thấy. Trong sách “Kinh Kê” nói rằng gà này khi gáy miệng nó rất thúi.

ĐỨNG KHUYA: Đây là giống gà dữ, lì đòn, đá cả buổi gần kiệt sức mà vẫn không chịu chạy. Nên chọn mái này mà nuôi.

GÀ GÂN: Gà có thân hình chắc nịch, thịt săn chắc, chân khỏe, khô, gân guốc. Gà này đá đòn rất đau.

GÃY CẦN: Bị đá đòn mạnh làm trẹo khớp xương cổ. Nếu nhẹ sau khi xoa bóp có thể đủ sức đá lại. Nhưng nếu nặng đòn thì lăn quay ra đít giãy đành đạch như sắp chết rồi thua luôn. Gà Cựa đâm trúng cần bị chết tức khắc.

ga-gay-can

Gà bị đã gãy cần

GHIM : Hai xương nhô cao nằm sát hậu môn (phía dưới phao câu). Hai ghim này phải cao bằng nhau mới tốt. Hễ một cái cao một cái thấp là số gà bị đui.

HANG CUA: Hai chỗ hóp vào ở hai bên cuối cần cổ ngang với vai gà gọi là “hang cua”. Đây là chỗ hiểm nhất, nếu bị cựa đâm trúng vào thì gà nắm chắc phần thua, có khi chết ngay. Nên chọn con nào có hang cua nhỏ mà nuôi. Gà nào hang cua rộng loại bỏ đừng tiếc.

HỔ TRẢO: Một hay nhiều vảy ở ngón chân (ngón Chúa càng tốt) nổi lên vài chấm nhỏ li ti màu đen hoặc hồng. Dù là gà Đòn hay gà Cựa có vảy này đều là gà dữ cả.

HỔ ĐẦU: Một cái dặm nhỏ ở đầu ngón Chúa. Gà dữ hiếm thấy.

HỒI MÃ THƯƠNG : Đang đá, giả thua bỏ chạy quanh bồ, gà kia rượt theo bám gót. Đột nhiên con bỏ chạy quay lại đá tiếp trong khi địch chủ không phòng bị. Gà này tốt nên chọn nuôi.

KÉ GÀ : Khi đá gà thường bị thương tích như rách da hoặc cựa đâm sâu vào thịt. Nếu không rửa vết thương và xức thuốc thì chỗ đó khi lành sẽ nổi lên những mục như mụn cóc. Một là chích thuốc trụ sinh hai là mổ ra nặn “cùi” rồi xức thuốc cho mau lành.

KHAI VỰA LÚA: Cú đá hiểm trúng vào bầu diều, hoặc cựa đâm trúng vào bầu diều khiến diều bị rách. Nếu hết nhang bắt ra may lại kịp thời thì không sao, nếu cứ đá tiếp gà dễ bị kiệt sức và thua nhanh. Bầu diều dễ bị thủng do trúng móng hoặc trúng cựa. Trước khi đá, không nên cho gà ăn quá no khiến bầu diều bị căng phồng.

LẮC MẶT: cặp gà trước khi đá thường đứng thủ thế, cần cổ vươn ra phía trước, hai mắt như thôi miên nhau. Con nào ưa lắc qua lắc lại gọi là gà “lắc mặt”. Đây là tật riêng không thể sửa đổi được. Gà này đa số thường ra đòn chậm.

LIÊN CƯỚC: Đây là đòn của gà dữ : mổ vào đầu, vào cổ hai vào lồng địch thủ lấy đó làm điểm tựa rồi đá bồi vài ba cái một lúc mới chịu buông ra.

 GÀ LINH: Còn gọi là “Linh Kê” là có vóc dáng trông rất tầm thường và có vẻ khác đời như : Mặt tái như gà mái, lông mã dài phết đất, lông đuôi cũng quá dài, miệng hôi thúi, lưỡi thụt sâu nên gáy không ra hơi, cựa thì cái màu này cái màu khác, màu mắt cũng khác nhau, khi ngủ như con gà chết. Đặc biệt ra trường chưa đá địch thủ đã chạy, hay đá vài ba cái rồi chạy … Gà này cũng thường gặp nhưng nếu hội đủ vài ba điểm đặc biệt nửa mới tốt.

LỤC ĐINH: Cựa lục đinh là cựa của gà Đòn : cựa ngắn, to, đầu tà, cứng cáp, Cựa không suôn mà có nhiều ngấn, tuy cựa ngắn nhưng đâm trúng rất đau.


cua-luc-dinh

Gà cựa lục đinh

GÀ LƯỠI ĐEN : Hắc thiệt, hiếm thấy. Đây là gà Linh.

GÀ LƯỠI RÙA: Lưỡi gà ngắn tưởng chứng như không có nên giọng gáy ngọng nghịu khó nghe. Đây loại gà linh, hiếm thấy.

LƯỜN TÀU : Lườn gà nằm dưới bụng ngay thẳng, không cong vẹo lại nhỏ bản chứ không chè bè ra.

MÃ LAI : Gà trống nhưng lưng không có lông mã, bộ lông y như lông của gà mái.

ĐÁ MÉ : Chân gà đá tạt ngang thốc vào mặt, vào mang tai. Gà bị đòn này đau như trời giáng, tối tăm cả mặt mũi. Có khi còn bị đui mắt chỉ có gà dữ mới có đòn này.

MỎ RỚT : Khi bị đá trúng mỏ (gặp đòn sỏ, đòn mé) phần mỏ dưới có thể rớt ra (dính tòn ten nhờ một chút da) chờ lúc hết nhang, chủ gà có thể khéo tay may sơ lại cho đá tiếp. Vết thương này rất khó lành.

NÉ LỒNG : Gà có tật né lồng khi đi rất ý tứ, biết né tránh những chướng ngại trên đường đi, kể cả bội nhốt gà cũng vậy. Gà tốt nuôi được.

GÀ NIỀNG : Gà thua vớt, nghĩa là đá gần thua thì chủ gà tuyên bố “chịu thua non” để bắt gà ra nuôi dưỡng lại dùng đá lần sau.

NƯỚC DƯỚI : Còn gọi là ‘kèo dưới. Gà đá kèo dưới là gà khôn ngoan, chui dưới bụng đối thủ đội ngược lên khiến đối thủ xiểng niểng rồi mới đá. Đây là thế đá của gà dữ.

NƯỚC TRÊN : Đây là thế đá của gà dữ, chỉ đá từ bầu diều hang cua trở lên đầu, vùng này có những tử điểm rất nguy hiểm. Đá theo thế này, trúng đòn nào đích đáng đòn đó. Nếu chỉ đá vào mình, vào vai, vào cánh tuy nghe lịch bịch, nhưng không đau đòn.

NƯỚC ĐÊM : Gà đá nên cho uống nước đêm để gà dai sức, cần nở to. Mỗi đêm chịu khó vào lúc nửa đêm hoặc lúc ba bốn giờ sáng khi gà đang đói, ta ép gà uống nước cho căng bầu diều. Nên rửa mỏ gà thật sạch, ngồi xổm kẹp gà sát bên mình, một tay banh mỏ ra, miệng mình ngậm đầy nước trún vào cho gà uống đến no bụng. Khuya được uống nước no như vậy, sáng ra gà tỏ ra sung sức và cần cổ nở dần ra mỗi ngày một to. Gà Đòn hay gà Cựa đều cần có cổ to mới có thể mạnh.

OM GÀ: Đó là săn sóc con gà sau khi đá xong. Gà đá xong phải vỗ hen, sau đó hút hết máu độc trong các vết thương rồi may lại nếu cần. Việc sau cùng là đâm nát nghệ già, đổ rượu đế vào hâm nóng. Dùng khăn sạch bọc xác nghệ vào chà khắp mình mẩy gà, nhất là các vét thương. Cứ xoa đi xoa lại nhiều lần, chất rượu nóng sẽ ngấm vào da thịt là gà mau tươi tỉnh. Om gà là cũng một nghệ thuật, phải thực tập nhiều lần mới quen tay.

om-ga

Om gà chọi

Ô ƯỚT : Gà lông đen những mướt mát có ánh sắc. Thường thì gà hay pha cựa mới có sắc lông này. Gà Ô Ướt trông rất đẹp mã đá hay nên được nhiều người chọn nuôi.

ga-o-uot

Gà ô ướt

GÀ PHA: Gà không rặc giống Đòn hay Cựa mà lai giữa ĐÒn và Cựa (trống Đòn phủ mái Cựa hay ngược lại)

QUÁI KÊ: Dáng lù khù, khi ngủ cũng như đi thức, mắt nhắm mắt mở, thế nhưng khi đá lại rất tỉnh táo và ra đòn khôn ngoan. Đây là gà linh, hiếm thấy.

QUẢN, CÁN: Chỏ cảng gà.

QUẢNG: Đây là thế đá của gà dữ, bay lên mà tung đòn vào đầu, vào mặt địch thủ. Thế đá này rất độc nhưng không hay vì địch thủ có thể né tránh được.

QUẦN SƯƠNG: Thả gà ra sân ra vườn vào lúc tinh sương để gà được tự do chạy nhảy đi lại cho gân cốt được dẻo dai. Gà sau thời kỳ xổ, đá mới cần quần sương. Khi quần sương nên thả từng con, nếu thả nhiều chúng sẽ đá nhau can không kịp.

NHANG: Đá gà cũng như đánh vào phải chia ra từng hiệp. Với gà mỗi hiệp như vậy gọi là một nhang (còn gọi là một nước). Khi thả gà vào bồ để đá, chủ trưởng gà đốt một cây nhang đặt nằm nghiêng. Giữa cây nhang có cột một sợi chỉ, đầu sợi chỉ treo một đồng xu, bên dưới đặt một cái dĩa. Khi nhang cháy đến sợi chỉ thì đồng xu sẽ rơi xuống đĩa, thế là hết “Một nhang”, hai gà được bắt ra làm nước. Hiệp sau lại đốt một cây nhang khác và cũng treo sợi chỉ có cột đồng xu như vậy.

RÌA SON: Rìa son còn gọi là ‘‘vải nước”, đóng từ ngón thới lên đến gối, có hai hàng song song không đứt đoạn mới tốt. Rìa son chạy sát mí cựa.

SONG SINH: Một trứng nở ra hai con. Trường hợp này cũng thường gặp. Thông thường gà song sinh đá có nhiều đòn lạ.

GÀ TÚC: Gà trống khi gặp người đến gần thì kêu “túc túc” như gà mẹ gọi con. Đây là giống gà tốt. Tuy vậy, cần phải cẩn thận xổ thử hoặc đá thử để coi đòn thế có gì đặc biệt không mới nuôi (vì có những con quá sung sức cũng kêu túc túc như vậy).

GÀ TỬ MỊ: Gà Tử Mị là gà có cách ngủ như gà giả chết, cổ vương dài ra, chúi xuống, trong khi hai cánh xòe rộng ra. Đây là gà linh, gà dữ ngàn con mới có một.

GÀ TƯỚNG VĂN: Tướng đi của gà nhẹ nhàng, khoan thai như một kẻ nhàn du, chứ không lăng xăng lít xít như những con gà nòi hung hăng khác.

GÀ TƯỚNG VÕ: Tướng đi của gà vừa nghênh ngang vừa bệ vệ pha chút hung hăng của ông tướng võ

THẢ: Đó là hiệu lệnh của chủ trường gà (cũng là giám khảo) hô to cho hai con gà sắp chiến, khi đó hai con gà trong bồ mới bắt đầu đá nhau.

VỖ NGHỆ : Dùng những củ nghệ già bỏ vào cối đâm nhuyễn, ngâm với nước trắng, muối hột, phèn chua (chút ít thôi) rồi cho vào cái khạp nhỏ ngâm độ một tuần rồi rút ra để dành khi con chiến kê xổ hay đá xong, ta phun khắp mình (tắm) rồi dùng khăn khô lau sao cho nghệ đã ngâm ra bôi khắp mình gà, kể cả chân rồi thoa bóp vài ba lần cho ngấm “thuốc”, sau đó thả gà ra sân hay nhốt vào bội cho gà đi đứng thoải mái. Độ 1 giờ sau, dùng xác trà chà xát nhẹ lên khắp mình gà để xả chất nghệ ra bớt. Gà được vô nghệ da thịt săn chắc, đỏ au. Nhưng, hãy cẩn thận không được lạm dụng: gà nòi tơ chưa xổ, chưa đá không cần vô nghệ. Gà đến tuổi ra trường thỉnh thoảng một vài tuần mới vô nghệ  một lần (nhất là sau khi xổ hay đá). Nếu ngày nào cũng vô nghệ, vô liên tiếp vài tuần, gà đang sung sức cũng cóm róm lại, xuống sức nhanh.

VỖ HEN : Gà đá xong một “nhang” là phải vỗ hen. Hen là chất nhớt vướng trong cổ họng gà khiến gà khó thở. Vỗ hen bằng cách dùng cái khăn lông sạch nhúng nước rồi vắt một ít nước vào miệng gà, ngay sau đó dốc đầu gà xuống đất, tay kia cầm cái khăn ướt vỗ nhẹ dưới cổ gà nhiều lần rồi vuốt chất nhờn, chất nhớt trong cổ gà ra ngoài. Cần phải vỗ hen vài lần như vậy mới hết nhớt. Sau cùng lấy vài lá cỏ, một lát gừng, vài hạt muối vò thành một cục to bằng đốt ngón tay cái nhét vào họng cho gà nuốt để trôi tuột hết chất nhớt. Gà vỗ hen xong, hơi thở điều hòa, phục sức rất nhanh, vỗ hen là một nghệ thuật, thường người rành chỉ truyền bí quyết cho “đệ tử ruột” hay thân nhân của họ mà thôi.

VỐC MUỐI : Có nơi gọi là “bốc muối”. Đây chỉ là tướng đi đặc biệt của con gà linh. Mỗi khi bước đi, chân gà khoan thai giở lên cao như  học trò lễ cúng tế tại đình làng. Trong khi đó các ngón chân chúm lại, và chỉ bung ra khi bàn chân sắp chạm xuống đất. Việc này giống như người ta nhúm một nắm muối rồi quăng ra xa. Gà này có nhiều thế đá rất độc.

ga-boc-muoi.

Tướng đi gà vốc muối

XẠ TRƠN : Là thế đá không cần cắn mổ vào đối thủ để lấy thế. Xạ trơn là tung đòn đá bất thình lình.

XỔ : Cho gà đá thử, dượt thử với gà đồng chạng khác để xem gà mình có đòn, thế hay dở ra sao. Thời gian xổ chỉ bằng nửa thời gian đá thật. Sau khi xổ lần đầu thì tiến hành lắc tích. Lắc tích là cắt bỏ miếng thịt bùng nhùng hai bên má gà, để mặt trơn tru bằng phẳng. Cắt tích (hay lắc tích) xong phải may lại rồi mới dùng muối trộn với bồ hóng, dầu hôi bôi lên để cầm máu và vết thương nhờ đó mà mau lành.

XỚI : Nơi đặt bồ để đá gà, còn gọi là trường gà. Có nơi nói xới cũng đồng nghĩa với đá.

Xem thêm:

Gà Đòn – Giống Chiến Kê Dũng Mãnh Chinh Phục Trường Đá

Phương pháp bắt gà nòi và tập cho gà mau dạn

Các thế gà đá đòn độc hủy diệt đối phương nhanh chóng

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x