Phân biệt và điều trị bệnh ORT trên gà chọi
Vào thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí tăng cao tạo điều kiện cho vi khuẩn gây ra bệnh ORT ở gà làm thiệt hại lớn đến nền chăn nuôi. Việc điều trị cần được tiến hành sớm và phải phân biệt được với các bệnh liên quan đến hô hấp khác để có phác đồ điều trị chính xác và hợp lý.
Danh mục
Phát hiện bệnh
Bệnh ORT do Ornithobacterium rhinotracheale gây ra. Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân, mùa hè và thời điểm giao mùa. Gà thịt thường mắc lúc 3 – 6 tuần, các loại gà khác thường từ 6 tuần tuổi trở lên. Tỷ lệ nhiễm bệnh cao từ 50 – 100% nhưng tỷ lệ chết và loại thải thấp 5 – 20%. ORT là bệnh hô hấp cấp tính, thời gian nung bệnh ngắn, 1 – 3 ngày. Giai đoạn đầu thường chỉ thấy gà bệnh có triệu chứng hen nhẹ, thở khò khè và đôi lúc hắt hơi, vảy mỏ. Bệnh tiến triển rất nhanh, sau 1 – 2 ngày thấy gà giảm ăn, ủ rũ và ngày càng khó thở. Ðặc biệt ở giai đoạn này có thể quan sát thấy gà bệnh há mỏ để thở, thở đớp khí, có tiếng rít và ngáp. Sở dĩ gà có triệu chứng này là do bên trong khí quản và hai phế quản gốc có cục mủ bít kín khiến đường hô hấp hẹp đi, gây khó thở, dẫn tới chết. Bệnh thường ghép với một số bệnh khác như: Newcastle (gà rù), E.coli, CRD… làm biểu hiện của bệnh càng trầm trọng.
Phân biệt bệnh
- ORT: Gà bị ngạt thở, khó thở nhưng không biểu hiện thành chu kỳ, không thành từng cơn như ILT mà gà ngáp liên tục và thường xuyên khó thở. Bã đậu hình ống chứ không vón cục như ILT. Vị trí bã đậu trong phổi, trong 2 ống phế quản chính và trong lòng khí quản (gà ho đẩy bã đậu từ dưới lên ống khí quản). Khí quản bình thường hoặc xung huyết nhẹ. Điển hình của ORT là bã đậu hình ống trong phổi và 2 phế quản chính.
- Viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT): Gà khó thở, ngạt thở theo chu kỳ: nghĩa là khi khó thở, gà tím mào, há mồm, rướn dài cổ và khạc khạc ra đờm, thi thoảng có lẫn máu trong đờm, sau khi khạc đờm thì gà rùng mình, vẩy mỏ và mào tích lẫn lông lá trở lại bình thường (không tím tái). Bã đậu vón cục. Vị trí bã đậu tại ngã 3 thanh khí quản hoặc có thể bị trôi xuống khí quản.
- Viêm phế quản truyền nhiễm (IB): Gà có khó thở nhưng không rướn cổ ngáp dài như ORT và ILT mà chỉ thở khò khè. Khí quản có dịch nhầy, xuất huyết nặng nhìn rõ (không khô, ít dịch như ORT).
Điều trị bệnh
Thông thường thì bệnh ORT trên gà hay ghép với các bệnh khác. Nó có thể là nguyên nhân chính cũng có thể là bệnh kế phát sau các bệnh khác (mà chủ yếu là kế phát). Bởi vậy, nguyên tắc trong điều trị ORT là ưu tiên bệnh nào chết nhiều thì điều trị trước. Ví dụ: Nếu đàn gà mắc ILT trước và sau đó kế phát thêm ORT thì nên làm lại vaccine ILT (nhỏ thẳng mũi, nếu cho uống thì uống với liều gấp đôi) rồi ngày hôm sau mới điều trị ORT.
Bước 1: Điều trị triệu chứng, hạ sốt, kháng viêm, tan đờm, thông hô hấp… Trước khi điều trị cần giảm sốt cho gà, sau đó nâng cao sức khỏe cho gà rồi mới sử dụng thuốc kháng sinh hay các thuốc để tiêu diệt mầm bệnh.
- Hạ sốt: Dùng paracetamol.
- Long đờm: Dùng Bromhexin.
- Giải độc gan thận cùng với bổ gan thận.
- Thuốc trợ sức, trợ lực, vitamin tổng hợp tăng sức đề kháng.
Bước 2: Tiêu diệt, kìm hãm mầm bệnh bằng các thuốc kháng sinh hay các axit hữu cơ có tác dụng kháng khuẩn. Mỗi liệu trình điều trị cần kéo dài trong khoảng thời gian 5 – 7 ngày nhằm tiêu diệt triệt để mầm bệnh. Một số kháng sinh nhạy cảm với bệnh ORT trên gà:
+ Ceftiofur (kháng sinh thế hệ mới hoạt phổ rộng): Tiêm.
+ Linco – Spect: Tiêm
+ Gentamycin kết hợp với amoxicilin: Tiêm.
+ Flodoxy (florfenicol và doxycycline): Uống và trộn
Axit hữu cơ: Butaphosphan.
Phòng bệnh
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh ORT trên gà, do vậy, để phòng bệnh hiệu quả người chăn nuôi cần thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp gồm:
– Thực hiện an toàn sinh học: Phun sát trùng định kỳ, thực hiện cùng vào – cùng ra (all in – all out) trong cùng một chuồng nuôi.
– Chú ý kiểm soát và quản lý tốt các yếu tố như mật độ nuôi, nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió, bụi, khí NH3 và dinh dưỡng.
– Tiêm phòng đầy đủ các vaccine đặc biệt là các bệnh do virus như APV, IB, ILT để hạn chế bệnh xảy ra hoặc bệnh xảy ra chỉ ở mức độ nhẹ và rất dễ điều trị.
Hướng dẫn một số phương pháp bế gà chọi đúng cách