Kê Kinh Diễn Nghĩa – Mộng Lang

Danh mục

BÌNH GIẢNG KÊ KINH DIỄN NGHĨA

1. Hậu biên yến quản đồng hành

Hậu biên đồng hành tức là Hậu Biên Tiên Lộ. Hàng biên và hàng hậu cùng song song đi xuống, cuối cùng hàng hậu tấp vào hàng biên cùng đi xuống ngón ngoại. Đây là gà quý.

Hậu biên
Hậu biên Đồng Hành

2. Giáp Long Chi Tự Điềm Lành Hữu Linh

Vảy Giáp Long đóng ở ngón thới. Vảy có hình cánh bướm hoặc từa tựa vảy rồng nên được gọi là giáp long. Loại thần kê này chuyên dùng móng làm trảo để điểm vào mắt địch.

Giáp Long
Giáp Long

3. Âm minh thư đoản tài tình,
4. Âm minh hùng đoản thanh vang hổ gầm.
5. Hổ gầm khẩu chớ lặng câm,
6. Hoặc rung khẩu hạ biết ra vẹn toàn.

 

Âm minh thư đoản là tiếng gáy thanh, rít mà ngắn ở tiếng ngân cuối. Cũng là loại gà có tài.
Âm minh hùng đoản là tiếng gáy mạnh mà ngắn ở tiếng ngân cuối. Tiếng gáy có âm thanh như cọp rống. Khi gà gáy mạnh và tiếng gáy kết thúc ngắn gọn thì đó là gà dữ.
Gà gáy phải há lớn miệng mới tốt. Ngậm miệng lặng câm không tốt.
Khi gáy mỏ dưới không rung mới tốt. Rung thì cũng chưa vẹn toàn.

7. Vậy thời cho rõ đừng oan,
8. Kẻo mà hay phản “Đạo Kê” là thường.
9. Xem gà ta phải cho tường,

Người xưa xem phép đá gà là Ðạo vì nó đòi hỏi sự thông suốt kê kinh. Ðoạn này xác quyết sự chính xác của kinh và quy sự thất bại vào người xem kinh chưa thông suốt.

10. Rõ ràng “hoa thới” một đường thẳng ngay.
11. Nội lên tiếp ứng nào hay,
12. Có mà “giáp độc” chận ngay là tài.

  •  “Hoa Thới” tức là Thới Hoa Ðăng. Vảy của ngón thới không ngưng lại ở chậu mà chạy thẳng lên tới cựa rõ ràng thắng tắp thì gọi là Hoa Thới.
  •  Vảy của ngón nội không ngưng ở chậu mà chạy thẳng lên tiếp ứng với Thới Hoa Ðăng tạo thành ngã ba và nhập một đi thẳng tới cựa.
  • Cả hai hàng vảy này bị Ðộc giáp chặn lại tại cựa. Vảy độc giáp ở hàng Quách là một vảy lớn hả mồm ngậm chiếc vảy cuối cùng của Hoa Ðăng.

Lưu ý: vảy Ðộc giáp không phải là một liên giáp mà chỉ là một vảy lớn.

Giáp độc
Giáp độc

13. Chận rồi còn thể là hai,
14. Chấn trên giữ dưới thế hoài phải phân.
15. “Thần hổ đệ nhất” nên cân,

Đoạn này mô tả vảy “Đệ Nhất Thần Hổ Đao”.
– Vảy ĐNTHĐ là đại giáp nội đóng tại hàng Quách, tức là liên giáp bao gồm ba vảy.
– ĐNTHĐ hả miệng ngậm chiếc vảy cuối cùng của Thới Hoa Đăng đi lên vì thế vảy này đóng trên cựa 1 ly.
– ĐNTHĐ phải đóng cả hai chân.
Gà có vảy này được liệt vào hạng “Linh Kê”.

16. “Hổ Thần Đệ Nhị” cũng phân rõ ràng.

– Đệ Nhị Thần Hổ Đao nằm ở hàng Quách và cũng hả miệng ngậm ngọc giống như Đệ Nhất Thần Hổ Đao. Cả hai đều nằm trên cựa 1 ly nhưng Đệ Nhị Thần Hổ Đao không phải là một đại giáp mà chỉ là một liên giáp. Đại giáp do ba vảy tạo thành, liên giáp chỉ do hai vảy mà thôi.
– Hai chân đều có Đệ Nhị Thần Hổ Đao đóng, nếu không thì thất cách.
– Thới Hoa Đăng của vảy phải rõ ràng và thẳng tắp. (Đăng có nghĩa là đèn. Đèn đỏ rực thắp sáng thẳng hàng đẹp như hoa nở nên gọi là đèn hoa.) Có lẽ vì những vảy này nổi lên tròn trịa đẹp như đèn hoa nên có tên là Hoa Đăng.
– Gà có chân này có tài cản cựa địch khó đâm. Rất quý.

Thưa quý độc giả, Tàng Kinh Các của Nhất Phẩm Ðường lưu trữ nhiều Giáp Kinh của các danh gia. Một trong những Giáp Kinh này do danh sư Phan Kim Hồng Phúc biên soạn và trong đó có sự khác biệt của Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Thần Hổ Ðao.
Sau đây Mộng Lang xin trình bày những điểm quan trọng của ngài Hồng Phúc.
Theo như Sư Kê Phan Kim Hồng Phúc thì Thần Hổ Ðao không phải là một liên giáp hay đại giáp mà chỉ là một giáp tại hàng Quách.
– Ðệ Nhất Thần Hổ Ðao thì đóng trên cựa một ly và cũng mở miệng ngậm ngọc.
– Ðệ Nhị Thần Hổ Ðao cũng có hình dáng tương tự nhưng nằm cao hơn.
Gà có vảy này thì ra đòn xuất quỷ nhập thần. Khó có địch thủ nào sống sót để gáy.
*Thầy Phan Kim Hồng Phúc không cho biết vảy Đệ Nhị Thần Hổ Đao nằm cách cựa bao nhiêu nhưng phỏng theo hình vẽ của thầy thì Đệ Nhất Hổ Đao nằm cách cựa khoảng một vảy hoa đăng, Đệ Nhị Hổ Đao nằm cách cựa khoảng 2 vảy hoa đăng. Hình vẽ dưới đây là tài liệu riêng của Tàng Kinh Các nhưng phương vị của vảy thì giống nhau.

17. Quay sang “liên cước tam hoàn”,
18. Đôi chân phải có ngọc song mặt tiền.

Ngọc song có thể là Song Cúc và cũng có thể là Lưỡng Ngọc Song Cước. Mộng Lang xin đưa ra cả hai để quý độc giả dễ bề nghiên cứu.
Vảy Song Cúc đóng ở mặt tiền cả hai chân. Vị trí của vảy ở hai chân phải tương xứng nhau thì mới tốt. Nếu vảy này đóng ngay cựa thì đúng cách.
Gà có vảy Song Cúc có biệt tài đá liên hoàn cước. Mỗi lần xuất chiêu là đá liên tục ba bốn đòn.

Lưỡng Ngọc Song Cước
Lưỡng Ngọc Song Cước

Cả hai chân đều có vảy to phía trên cựa. Một chân có đại giáp ở hàng Thành. Một chân có đại giáp ở hàng Quách.
Gà có vảy này luôn luôn có biệt tài đá song cước cực kỳ lợi hại và được nổi danh là Lưỡng Cước Kê (Theo Sư Kê Phan Kim Hồng Phúc)
Gà có Lưỡng Ngọc Song Cước đá song cước nhưng gà này có đá “liên cước tam hoàn” hay không thì không thấy sư kê nhắc đến.

19. Rõ ràng nó đá đòn kiêng,
20. Lại thêm đòn thủ mé cần đòn ngang.
21. Thêm rằng bể hậu khai biên,
22. Là tiên giáng xuống cậu tên gà nòi.

Ðòn kiêng có lẽ là đòn quăng còn gọi là xạ. Ðòn quăng là đòn đá vào mặt và cần cổ địch thủ bất thình lình mà không mổ trước.
Bể Hậu Khai Biên là cậu của gà nòi.
Có sách chép: ” Bể Biên Khai Hậu” là cậu gà nòi. Bể hay khai thì cũng giống nhau. Ðường “Quách” và đường Hậu đều có một vảy nứt ra chia làm hai. Gà ấy là gà hay.

23. Trường thành địa giáp nên coi,
24. Những vảy ấy có gà hay thường thường.

Trường thành là vảy ở hàng Thành lấn sang hàng Quách. Khi ta nhìn ở mặt tiền thì thấy vảy hàng Thành có diện tích rộng theo chiều ngang.

Vảy Ðịa Giáp là một vảy nhỏ ở dưới lòng bàn chân. Phải lật lên mới thấy. Loại gà này được liệt vào “Linh Kê”.

25. Thới mang nhân tự một đường,
26. Dễ mà khinh nó sọ bêu phải tường.

Ngón thới có vảy nứt như chữ Nhân thì gọi là Nhân Tự Thới. Gà có vảy này chuyên nhả đòn độc và thượng hành đi trên. Nếu nhân tự mà đóng ở các vảy cuối sát móng thì gà có tài móc mắt.

27. Phải tường tứ ứng mà thương,
28. Đôi chân như một trường nương người mời.

Tứ Ứng Độ Sơn là 4 vảy độ đếm từ cựa trở lên nằm trên gò cao cách biệt với các vảy độ kế tiếp khuyết hẳn xuống. Nếu được 3 vảy nổi cồm lên thì gọi là “Độ Tam Ứng” và kém hơn gà tứ ứng, ngũ ứng, lục ứng v.v.
Gà có Tứ Ứng Độ Sơn cả hai chân là gà quý.
Gọi là Độ Sơn vì hình thể cao hẳn lên như 4 ngọn núi.

Lưu ý: Bốn vảy này phải to lớn gần bằng nhau.

29. Song liên là vảy của trời,
30. Phải xem cho nhớ đời đời nước hai.

Song Liên là liên giáp nội do hai vảy dính liền tạo thành và đóng tại hàng Quách.
Theo tài liệu trong Tàng Kinh Các thì có hai loại song liên tự.
Loại thứ nhất
– Song Liên đóng ngay cựa nhưng không cần phải ngậm ngọc, và cũng không cần phải có đường thới hoa đăng.
Loại thứ hai
– Song Liên phải ngậm ngọc và đóng ngay cựa. Đường thới hoa đăng phải tốt. Viên ngọc bị ngậm không nhất thiết là ngọc cuối cùng. Gà có Song Liên Tự theo cách này ăn đứt các vảy Nhật Thần, Hổ Khẩu, và Hàm Long.
Lưu ý: Đừng lộn Song Liên Tự với Đệ Nhị Thần Hổ Đao. Đệ Nhị Thần Hổ Đao đóng trên cựa. Song Liên Tự đóng tại cựa.
Theo các sư kê thì gà có Song Liên thì có đòn độc từ cuối nước thứ hai đổ đi.

31. Hiểu rằng vảy nhỏ “lạc mai”,
32. Chẳng nên căn cứ một hai đòn tài.

Lạc Mai là bốn năm vảy chụm lại và đóng trên hoặc dưới cựa. Gà có vảy này thuộc loại thường. Ta không nên căn cứ một hai đòn hay mà giữ gà này vì nó không phải là chiến kê.

33. Đòn tài bán nguyệt nữ giai,
34. Thêm vào ngón giữa ra oai nhiều đường.

Vảy bán nguyệt là một đường chỉ vòng bán nguyệt tại cựa. Tuy nhiên, câu này không mô tả đường chỉ đó mà muốn đề cập tới ngón chân cong hình bán nguyệt.
Bán Nguyệt Nội là hai ngón nội của cả hai chân cong hình bán nguyệt. Nếu gà mà có bán nguyệt tại ngón giữa (ngón Chúa) thì lại càng cực kỳ hay.
Chiến kê có chân cong hình bán nguyệt có biệt tài móc mắt đối phương, giỏi song cước, nhảy cao và đá tạt ngang rất ác nghiệt.

35. Đừng cho thất hậu bản lườn,
36. Riêng hai thứ ấy kiên cường phải sâu.

Những sư kê có nhiều kinh nghiệm thì họ cho rằng hàng vảy quan trọng bậc nhất không phải là hàng vảy tiền phía trước mà chính là hàng vảy hậu phía sau. Tiền hư thì còn gỡ gạc được, chứ nếu hậu hỏng thì không thể dùng được nữa.
Một con thần điểu tốt phải có hàng vảy hậu no tròn và đều đặn từ chậu đến gối.

Bản lườn tức là lườn tam bản. Loại lườn này có đáy trệt và hai vách hơi vuông vức trông giống như đáy của loại thuyền đóng bởi ba miếng ván nên gọi là lườn tam bản. Kinh sách khuyên ta không nên dùng loại gà có lườn tam bản.
Ngược lại với lườn tam bản thì có lườn tàu có đáy nhọn. Khi ta “vô tay” nâng gà lên thì sẽ cảm thấy đáy lườn cộm vào lòng bàn tay.
“Vẹo lườn thì bỏ, vẹo mỏ thì nuôi”
Xương lườn nằm ở phía dưới bụng của gà. Nếu xương lườn sâu và thẳng không bị “vạy” thì chiến kê ấy có thể tạm coi là tốt.

 

37. Tam tài tứ quý là đâu,
38. Song tam song quý mới hầu tài cho.

Theo tài liệu của Tàng Kinh Các thì có rất nhiều loại tam tài khác nhau. Loại thông thường là ba vảy nhỏ đóng sát gối như hình vẽ này.
Qúy điểu có loại vảy này thì ra đòn cực kỳ mãnh liệt hung ác.
Tứ quý là bốn hàng vảy đóng sát gối. Chiến kê có tứ quý chuyên đá lòn, đá dĩa. Con gà đi dưới cũng có nhiều đòn độc ma quái riêng của nó.
Song tam = hai chân có tam tài
Song quý = hai chân có tứ qúy.

 

39. Gà tài vảy độ càng to,
40. Nghinh thiên cho tỏ bo bo “độ điền”.
41. Độ điền mới quý làm sao,
42. Hẳn là vua cả trên cao lộng hành.

Mộng Lang truy cứu nhức cả đầu nhưng cũng không tìm ra được vảy “Ðộ Ðiền”. Có lẽ là vảy độ có hình vuông như chữ Ðiền chăng ?

43. Đến lần biên độc làm anh,

Ðộc biên là một hàng vảy biên chạy từ đầu gối xuống quá chậu ra ngón ngoại.
Thần Ðiểu có vảy độc biên thì đá chết địch thủ, khó có con nào thoát chết.

44. Đa biên mà dứt chẳng lành hiện ra.

Ða biên là có từ hai hàng vảy biên trở lên.
Ða biên mà đứt đoạn thì càng tồi. Kinh sách khuyên ta không nên dùng.

45. Dặm xa ngoại ngón chỉa ra,
46. Gà hay cũng đặng tài xa phải đòn.
47. Ngón giữa giáp vảy nhập môn,
48. Tài hay móc họng như côn thọc hầu.

Có sách cho rằng nếu ngón Ngoại có vảy nứt ra hoặc có vảy nhỏ chen vào thì tốt. Nhưng cũng có sách cho đó là xấu.

Kê Kinh viết:
“Vảy may vảy rủi đâu là
Hư có vảy ngoại thiệt là chẳng may.”

Tất cả các sách đều ghi nhận nếu vảy ở hàng thành (còn gọi là ngoại) mà bị nứt ra thì là điềm chẳng may. Vảy của ngón Ngoại là do hàng Thành tiếp tục chạy xuống quá chậu mà thành. Như thế chúng ta có thể kết luận rằng dậm tại ngón Ngoại là xấu.

Một trong những tài liệu ghi nhận dặm Ngoại xấu đã ghi thêm rằng nếu dặm Ngoại cách ba vảy tính tử móng chân thì càng tồi, gà có số bị đui.

Nhưng nếu vảy nhỏ dặm vào ngón Chúa (ngón giữa) thì đó là điềm tốt. Ðoạn này có thể mô tả vảy Ẩn Ðầu Long. Ẩn Ðầu Long nằm sát móng trước vảy nhập môn và bị vảy nhập môn che khuất. Khi bẻ cong móng lên thì sẽ thấy nó lộ ra. Nếu vảy dặm nằm ở vị trí khác trên ngón Chúa thì nó có tên là Lạc Diệp. Gà có vảy Lạc Diệp và Ẩn Ðầu Long là gà dữ.

 

Phép xem vảy có thể đem ra áp dụng cho cả hai loại. Kinh sách dạy ta tùy cơ ứng biến. Tỷ như gà có vảy Lạc Ma Hàm Cốc vốn có tài đứng nước khuya thì áp dụng cho đá đòn hay hơn đá cựa.

49. Con nào sọ thắt liền nhau,
50. Biết rằng là nó cam đau chịu đòn.
51. Khấc đầu nó chịu đá lòn,
52. Lủi sau lòn trước là con thế gà.
53. Thế gà hẳn có tài ma,
54. Nhằm đâu cũng đặng miễn là phản công.

 

Ðoạn này mô tả sọ gà. Theo sách vở thì cái sọ gà khá quan trọng. Tỷ như sách xem tướng liệt những kẻ có bướu sau gáy thuộc vào thành phần phản loạn thì gà cũng có sách tướng riêng của nó. Thế nên, một người Sư Kê thượng thặng thì phải biết sọ gà của mình.

Khi một vị Sư Kê đưa tay bóp ngang sọ gà phía trên gò mắt thì thấy nơi đó bị khuyết và nhọn về phía trước theo xương sọ. Nếu nơi đó mà thắt lại, khuyết nhiều, thì đó là con gà thế.

Ở phía sau ót cũng vậy. Tất cả mọi sọ gà đều thắt lại và bằng phẳng trước khi nổi lên cao để nối với xương cổ. Nếu sọ mà dài ra sau quá thì không có nghĩa là gà xấu, nó chỉ không phải là con gà thế.

Gà thế thì có tài ngoai lên lòn xuống đủ mọi cách để hạ địch thủ, nó là con gà khôn.

55. Gà mà có quản mai hồng,
56. “Mai son” thời biết anh hùng là đây.

Theo Thầy Phan Kim Hồng Phúc thì gà có quản mai hồng là gà có đôi chân chia làm ba màu rõ rệt.

57. “Tam Vinh” vảy ấy gà hay,

Cũng theo thầy PKHP thì Tam Vinh là chân cẳng minh bạch. Ba hàng vảy Ðộ, Biên, Hậu phải đúng cách: Hàng Ðộ phải no đủ, Biên không bị đứt đoạn, Hậu phải xuống quá cựa.

58. Lộc điền cũng đặng gà cay gà kỳ.

Lộc Ðiền là hai vảy đâu đầu với nhau. Nếu hai vảy này được ngăn bởi đường đất nhỏ ở giữa không lấn qua Quách hoặc Thành thì nó có tên là Lộc Ðiền Tự. Vảy này xấu.

Nếu đường đất ngăn chia hai vảy này quay đầu vào Quách thì nó có tên là Lộc Ðiền Nội. Vảy này tốt nếu đóng ngang cựa. Nếu đóng ở những nơi khác thì cũng thuộc loại thường.

Ngược lại nếu đường đất quay đầu ra Thành thì nó có tên là Lộc Ðiền Ngoại. Vảy này xấu.

Rằng hay thì thật là hay
Ðục thêm ngay cổ có bề hay hơn.

59. “Tiểu son” tấm đỏ “ác tinh”,
60. Nó là một thứ nên kinh phải nhường.

Chân gà thì có rất nhiều vảy nhỏ lấm tấm ở giữa các khe ngón. Nếu những vảy lấm tấm ở giữa ngón thới và hàng nôi có một vảy có màu đỏ như son thì gọi là Tiểu Son. Gà này đựơc liệt vào hạng ác tinh đâm chém rất dữ.

61. Vào tay cho biết đoạn trường,

“Vào tay” là thò tay ra giữa bụng gà và nâng nhẹ lên để biết đựơc xương lườn dài hay ngắn; dài thì tốt, ngắn thì xấu. Ở những trường gà mà cho phép Sư Kê của đôi bên “vào tay” thì ấy là lúc các Sư Kê khảo nghiệm khả năng chiến đấu của nhau. Một sư kê kinh nghiệm chỉ cần vào tay cả hai con gà cũng đoán biết được khá nhiều về kết quả của cuộc đấu.

62. Quản ngay mới đặng một đường như tên.

Quản, còn gọi là cán, là khoản chân từ đầu gối tới chậu.
Quản ngay thẳng thì tốt, quản xiên vẹo, khuyềnh ra thì xấu. Quản mà thắt ở khúc giữa thì qúy.

63. Ghim kia trường đoản một bên,
64. Nó là độc nhãn có tên rành rành.

Xương ghim nằm ở phía dưới hậu môn. Khi nhìn từ phía sau thì ta sẽ thấy hai đầu nhọn của ghim nhô ra. Nếu hai xương ghim này khít cỡ ngón tay thì tốt. Nếu xương ghim hở rộng ra quá thì gà này tung đòn thiếu chính xác.

Ngoài ra, nếu hai xương ghim không đều nhau, một bên dài một bên ngắn thì số kiếp con gà ra trường trước sau gì cũng bị đui mắt. Ðoạn kinh trên quả quyết như thế không sai trật.

65. Xét cho có ngọn có nghành,
66. Con nào gò nhật là anh can trường.
67. Gò cao mặt khuyết mà thương,
68. Thương chi gò lép nhãn to mà lồi.

Gò nhật ở đoạn này là gò mắt. Xương gò quanh mắt của gà mà có hình bán nhật thì gà ấy được xem là lì lợm.

“Gò cao mặt khuyết” là nói về gò má. Gà lỳ lợm dữ tợn thì xương gò má nổi cao, mặt mũi uy nghi như một võ tướng.

Kinh sách chê loại gà có gò má lép và đôi mắt to và lồi. Gà có mắt to và lồi thì dễ bị đá mù.

Rồi tiếp tục

69. Thẳng lưng cánh hẹp đã rồi,
70. Lại thêm đuôi phụng cổ đôi mình đầy.

Cẩn thận đừng nhầm lẫn cánh hẹp và vai hẹp. Gà có vai rộng thì mạnh và tốt hơn vai hẹp. Tuy nhiên, gà có vai rộng mà cánh lại hẹp ôm sát thân mình thì tuyệt.

Một con gà bình thường mà có hai cánh xoạc rộng và phệ xuống thì không tốt.

 

Ðuôi phụng hay “Phụng Vỹ” là đuôi dài chấm đất. Gà có phụng vỹ thì có lắm tài.

Cổ đôi là gà có thêm miếng da sau ót từ gáy xuống tới lưng.

Lưng gà tốt thì phải xuôi với cần cổ và thẳng băng xuống đuôi.
Nếu lưng gà và lưng cánh bằng phẳng như mặt bàn, cao phần trên và hạ thấp xéo xuống mé đuôi thì tốt.

71. Bày ra lưng tốt như vầy,
72. Lưng tôm chẳng khéo lưng gầy tài nghiêng.
73. Ngắn lưng tài ấy bất thiêng,
74. Lại thêm ngắn mã ngắn biên thường tài.

Gà có lưng gù và lưng tôm đều xấu. Năm thì bảy kiếp thì có gà lưng gù có tật có tài còn bình thường thì không dùng được.

Gà có lưng ngắn thì kém tài.
Gà có lông mã ở hai bên hông dài thì tốt, ngắn thì xấu. Ngắn biên tức là hàng vảy biên ở chân gà không chạy dài từ gối quá chậu mà bị đứt đoạn. Loại gà đoản biên này không nên dùng.

75. Đuôi dài giữa thủ một hai,
76. Vũ đôi đa sắc đa oai mà trường.
77. Hậu thêm lông quản lông cương,
78. Hẳn là lông tượng có đường hiển vinh.
79. tài như sấm động vang đình,
80. Một mình trấn thủ “kê linh” “kê thần”.

Ðuôi gà mà có chen thêm một vài cọng lông đa sắc nhiều màu thì gà có tài.

Hậu thêm lông quản lông cương
Lông quản ???
Lông Cương tức là lông thép.
Gà có lông mã thép thì rất dữ. Lông mã thép thì nhìn cũng thấy nó cứng rắn. Khi ta sờ vào thì thấy nó khô cứng chứ không mềm như những cọng lông mã bình thường.

Các loại lông voi (lông tượng):

Lông voi (tượng) thì cũng chỉ có một hoặc hai cọng mà thôi. Lông này thường mọc ở cánh và đuôi. Cũng có con mọc ở đùi.

Loại 1: Lông cứng và to như kẽm. Lông này tuy cứng nhưng rất dẻo và nếu bị bẻ cong thì nó cũng duỗi thẳng y như cũ. Loại lông voi này Mộng Lang đã từng cầm xem qua. Loại này được xem là hiếm. Ngàn con có một.

Theo Sư Kê Nguyễn Tú thì có thêm hai loại lông voi khác nữa như hình số 2 và 3.

Loại 2: Lông cứng, lớn sợi, hơi quăn như sợi tóc ngứa. Loại này thường gặp hơn loại 1.
Loại 3: Lông xoắn lại và có sức co giật như lò xo. Loại này cũng hay thường gặp.

81. Phụng đuôi điểm rất ân cần,
82. Quăn lông xoắn mã trông bần mà thương.
83. Kê kia phản vỹ nhiều đường,
84. Đặng xem cho biết “tứ thương khứ đà”.

Ðuôi phụng như đã nói trên là đuôi dài chấm đất.
Ngoài ra, có các loại lông đuôi đặc biệt sau đây:

Nguyệt cung: lông đuôi có nhiều khúc trắng như trăng lưỡi liềm.

Bạch linh: Lông đuôi có một sợi trắng không đen chỗ nào

Lông mã là lông ở hai bên hông của gà. Lông mã cứng như xương nên gọi là thép. Gà cựa mà có mã dài, rậm và có mũi nhọn như kim thì đó là con gà chiến. Lông mã mà có vài cọng xoắn lại như hình vẽ này thì lại càng dữ tợn. Mã có nhiều màu sắc khác nhau “tạp sắc” thì không hay. Nhưng nếu có chấm nhỏ li ti thì tuyệt.

Phản Vỹ: Ðuôi có vài sợi lông quăn lại như tóc uốn. Khi kéo thì thẳng ra, khi buông tay thì lại quăn trở lại như lò xo.

Tứ Thương Khứ Ðà ?????????

Hôm nay chúng ta tìm hiểu về triều thiên của các vị vua.

85. Một hai mão thủ xem qua,

Tả quân Lê Văn Duyệt đã từng mô tả mồng gà như mão quan. Phàm trời đất đã xếp đặt cho con gà tài có một chiếc mão oai phong phù hợp với tài năng của chúng.

ML đã từng được xem qua diện mạo của hai con gà xuất chúng thì cả hai đều có mão xếp từng lớp đổ về phía mỏ như vương miện của Tần Thuỷ Hoàng.

86. Dáng to mà ngã bất là chỉ thiên.
87. Anh hùng chẳng ngã chẳng nghiêng,
88. Chấn trên mồng thủ trung kiên thăng trời.

Mồng gà có gốc từ mỏ và mọc về sau đầu. Nhưng nếu gà có gốc mọc từ trên đầu và đổ về phía trước mỏ thì không gọi là mồng mà gọi là Mão.

Con gà này có mão từng lớp đổ về phía mỏ. Gà có mão là Vương Kê, có phong cách đường đường là một Chúa Công, tài trí một trời một vực.

Mồng gà như hình tam giác có đỉnh nhọn chỉ lên trời thì gọi là mồng chỉ thiên. Gà có mồng thẳng không nghiêng mé tả hoặc mé hữu được cổ nhân ưa chuộng và liệt vào hạng anh hùng.

Trong các loại mồng gà thì mồng dâu là thường gặp nhất.
Mồng dâu không to cũng không nhỏ, nó có từ ba hoặc bốn cạnh trở lên và thường ngay thẳng.

Một loại mồng khác là mồng trích. Mồng như mồng chim trích, thường thì mồng này trệt xuống. Gà mồng trích đá nhanh.

Mồng lá chỉ có nơi gà cựa. Gà mồng lá đá hăng dữ nhưng nếu không hạ địch thủ trong ba nhang đầu thì càng về khuya càng dễ thua.

Mồng Hoa
Gà có mồng như cánh hoa nhiều cánh xếp lại. Nếu mồng này mà đổ về trước thì chẳng khác gì mão quan. Các Hành Giả khi đá gà mà gặp đối thủ có mồng xếp lớp đổ về trước như con này thì nên cẩn thận.

89. Lại thêm hàm kéc lá đôi,

Hàm kéc lá khoé miệng sâu rộng như miệng kéc. Gà có khoé miệng sâu thì mạnh mỏ và khi mổ thì bám rất chắc.

Mỏ lá đôi hay mỏ “ba lá” là loại mỏ có hai rãnh ở bên hông mỏ. Nhìn từa tựa như mỏ được ghép lại bởi hai phần.

Các Hành Giả có thể bấm vào hai link sau đây để xem thêm hình chụp của gà mỏ đôi: Mỏ đôi 1. Và đây: Mỏ đôi 2

90. Mỏ xuôi mà đoản chính tôi anh hùng.

Mỏ gà càng dài thì càng yếu. Càng cong thì càng chậm.
Mỏ xuôi mà đoản là mỏ thẳng và ngắn. Mỏ xuôi và hơi cong vừa phải là tốt nhất. Mỏ như mỏ chim sẽ thì cắn nhanh đớp lẹ khiến đối phương không kịp né tránh.

Mỏ nhỏ mà dài thì yếu
Mỏ cong thì chậm

91. Túc trường có thể hình cung,

Ðùi gà và quản gà cong theo hình cung là tốt nhất.

Ðùi gà và quản gà thẳng băng như cây cột thì không tốt, không tốt.

Quản cong hình cung nhưng đùi thẳng băng 90 độ như cột nhà là không tốt. Dễ bị ngã ngửa.

Gà có thế đứng hai đầu gối chụm lại và hai bàn chân xoạc rộng như hình này thì đá đòn không ngay.

92. Đại song đại lép tài trung văn toàn.
93. Nở đùi ngắn quản thì ngoan.

Ðại song đại lép là nói về quản gà, còn gọi là chân, cán, cặp giản v.v.
Quản gà mà to thì gà đá chậm, mau mệt.
Quản gà lép gầy xương xẩu là tốt nhất. Đá lâu mệt, đứng nước khuya tốt.

Ðùi gà phải nở nang to bằng thân hoặc lớn phình lớn hơn thân mới tốt. Nếu ta nhìn từ phía trước mà thấy đùi gà phình to hơn thân thì tốt.

Ðùi gà phải nở theo hình bầu dục. Ðùi tròn xấu, đòn yếu kém.

94. Hậu trên nở dưới thắt ngang cán thần.

Quản gà mà thắt lại khúc giữa thì tốt. Thắt quản không có nghĩa là quản bị cong. Quản ngay thẳng như mũi tên nhưng thắt lại ở đoạn giữa.

Như hình vẽ thì quản gà tại A và C đều lớn bình thường nhưng đoạn B bị thắt lại.

95. Cán thần cứ một mà phân,
96. Đùi hai trên dưới bất cân mà tài.

Ðùi gà phải dài gấp đôi quản gà. Ðùi hai quản một theo như câu “Lưỡng túc tam phân” là đúng sách vở.

Ðùi gà là phần quan trọng vì sức mạnh của cú đá được phát xuất từ đùi. Ðùi gà to và dài thì sức mạnh nhân đôi.

Bế gà lên, gập chận lại như hình vẽ và tính từ chậu lên tới gối là phần quản. Nếu chậu gà của bạn chỉ dài tới nửa phần đùi thì bạn đã có một con gà “Lưỡng túc tam phân”.

97. Nhìn xa ngón ngọ thấy dài,
98. Sát trung cang điểm là hai thứ quà,

Sát Cang Điểm và Trung Cang Điểm đều nằm ở ngón Ngọ. (còn gọi là ngón Chúa). Ngón Ngọ là ngón chân dài nhất trong bốn ngón. Có sách không gọi là Cang Điểm mà gọi là Cân Điểm và Can Điểm.

Trung Cang Điểm là ngón Chúa cứ cách hai vảy lại có một điểm đốm khác màu đóng vào như vệt chấm. Gà có vảy này thì tài nghệ nghiêng trời lệch đất.

Trung Cang Điểm cuồng kê thường hạ địch thủ ở nhang thứ nhất. Ít có con nào sống sót qua nhang thứ hai.

Sát Cang Điểm, hay Sát Cân Điểm là ngón Ngọ có hai điểm đốm ở hai vảy sát nhau. Gà có vảy này thì đá tới tấp như hung thần. Cuồng kê này đá khắp mình mẩy đối phương không chừa chỗ nào.

 

99. Ngực gà cũng thể nhìn qua.
100. Gặp như thực tả “quý kê” hẳn là.
101. Hẳn là giống ấy văn gia,
102. Đa mưu chiến lược tài ra tật nguyền.

Gà có “trữ thực tả” là gà có bầu diều bên trái. Bình thường thì mọi con gà đều có bầu diều bên phải. Những con gà trữ thực tả thì rất hiếm và có ẩn tài.
Tiện có con “trữ thực tả kê” này thì Mộng Lang xin “tả” kỹ thêm về đôi chân của một con gà đòn. Theo như kinh sách thì gà chọi phải có cặp đùi to bằng hoặc to hơn thân mình của nó. Ta có thể đứng phía trước và xem xét nếu thấy cặp đùi nở to bằng hoặc hơn thân mình của nó thì đó là cặp đùi tốt. Qúy Bồ Tát cần lưu ý thêm là quản (phần chân từ chậu đến gối) gà phải nhỏ và thẳng thì mới tốt. Quản to và mập thì xấu.

103. Lưỡi đầu lưỡng chẽ đã duyên,
104. Lại thêm lưỡi thấp lưỡi chuyên như rùa.
105. Gà này giống tỏ con vua,
106. Điểm đen đầu lưỡi bất thua “kê thần”.
107. Như trên đã kể ân cần,

108. Kẻo rằng chẳng đặng xa chân thời phiền.

Lưỡi đầu lưỡng chẽ (lưỡng thiệt) là đầu lưỡi của gà chia đôi thành hai lưỡi. Gà này rất quý.

Gà có lưỡng thiệt thì lưỡi bị chẻ ra như hình 1.
Gà có bớt đen ở đầu lưỡi cũng được liệt vào hạng gà qúy không thua “kê thần” như hình 2.

Lưỡi thấp (Đoản thiệt) hay lưỡi rùa là gà có lưỡi nhưng rất cụt như hình vẽ. Theo như kinh sách thì gà lưỡi rùa miệng rất hôi thối.

Đoản thiệt kê đựơc xem như Hoàng Thái Tử vì có tài nghệ áp đảo quần thần.

109. Bấy lâu tướng vảy bất duyên,
110. Cùng xin xuất hết chinh chuyên “Đạo gà”.
111. Đạo gà như thể trăm hoa,
112. Biết đâu mà kể vảy xa vảy gần.

Thú chọi gà được Sử Ký đề cập đến tại xứ ta ít nhất là từ cuối thế kỷ thứ mười ba vì khi quân Nguyên xâm lấn nước ta thì Thái-Sư-Thượng-Phụ Hưng Đạo Đại Vương có khiển trách binh sĩ và các tì tướng của ngài về tội mê chọi gà.

Nước ta có chiến tranh triền miên. Khi Pháp chiếm kinh thành Huế thì đã thiêu rụi thư viện quốc gia. Kinh sách, tài liệu hiếm quý phút chốc tan biến thành khói. Có thể là các pho sách bị đốt bao gồm những tài liệu thơ phú liên quan tới Đạo Kê của cổ nhân.

“Đá như trong Kinh” – Người xưa dày công nghiên cứu kê pháp và xem nó như nghề nghiệp. Ðạo Kê (Gọi là Kê Ðạo theo cách đọc của Hán văn hoặc Ðạo Kê theo lối đọc của Việt văn) là Đạo, là Nghiệp có lẽ vì nó đòi hỏi sự hiểu biết có bài bản.

113. Xa gần nó ở ngoài chân,
114. Lộ dung hình dữ nên phân thế này.
115. Con nào đá cựa đá tầy,
116. Đá ngang đá dọc đá rày chẳng kiêng.
117. “Vy đao” “yểm địa” “thắt biên”,
118. Thì ra vảy ấy bất kiêng bất nhường.

 
Theo tài liệu của mình thì Giáp Vy Đao không phải là những vảy nhỏ của hàng thới đi lên mà là vảy của hàng Quách (còn gọi là hàng Nội). Giáp Vy Đao có mũi nhọn như mũi dao chỉa vào cựa. Giáp Vy Đao phải có từ ba mũi trở lên. Nếu chỉ có hai mũi thì nó có tên là Song Phủ Đao.

Chiến kê có Giáp Vy Đao ra đòn ác độc sát phạt tới tấp dọc ngang khiến đối phương không kịp thở.

Vảy Yểm Ðịa là một vảy nhỏ dặm thêm vào của ngón Ngọ sát chậu. (cẩn thận đừng lộn với vảy Ẩn Ðịa).

Trong phép xem vảy thì vảy nhỏ ăn vảy to. Vảy bên chân trái ăn vảy bên chân phải.

Yểm Ðịa đóng cả hai chân thì gà có tài hạ địch thủ trong nhang đầu. Nhưng quý Bồ Tát cũng biết rằng khi hai con gà tài gặp nhau thì cuộc đấu có thể sẽ không kết thúc nhanh chóng mà trái lại kéo dài vì những con gà có tài tấn công thường cũng có tài né tránh chịu đòn bền khuya.

Mình đã từng được nghe những mẩu chuyện kể về hai con gà tài đụng nhau mà mỗi con đều đã có thành tích hạ đối phương trong nhang đầu lại không thể hạ được nhau cho tới nhang cuối để rồi hoà nhau nhưng khi về thì sáng ra cả hai đều lăn ra chết.

Người xưa giải thích rằng những con Thần Kê không phục nhau và chúng không bỏ chạy tuy trong mình mang nội thương và lục phủ ngũ tạng đã nát bấy nên sau khi kết thúc trận đấu thì quy tiên.

Quản gà mà có rãnh ở giữa tạo ra bởi hai hàng vảy Thành và Quách nổi cao lên như hình vẽ này thì gọi là Hàm Rập, vảy này tốt.

Tiếp theo là phần khảo sát về vảy hậu.

No Hậu

Theo như các Sư Kê lão luyện thì họ chú ý tới hàng hậu nhiều hơn là hàng tiền. Nếu hàng tiền đựơc xem như hàng vảy chứa đựng tài nghệ cho các đòn tấn công thì hàng hậu được xem như hàng thủ thế của gà. Tiền tốt mà hậu bần thì hỏng. Hậu tốt mà tiền bần thì vẫn có thể xài tạm.

Gà có hàng hậu no nê và chạy dài từ gối xuống tới cựa hoặc sâu hơn đều được xem là tốt. Con nào vảy hậu xuống không tới cựa hoặc nát hoặc khiếm khuyết đều bị loại bỏ.

119. Thất hậu đoản thẳng một đường,

Đoản Hậu
Vảy hậu xuống chưa tới cựa như hình vẽ này thì xấu, không nên đem ra Kê Trường.

120. Lại thêm chia gối chán chường ối a !

Nát Gối
Hàng hậu xuống tới hoặc quá cựa nhưng sát gối mà nát như hình vẽ này thì cũng xấu. Không dùng được.

Kém Hậu
Hàng hậu xuống tới cựa nhưng vảy hậu nhỏ lăn tăn yếu ớt như hình vẽ thì được xem là kém hậu, cũng không nên dùng.

Khai Hậu
Hàng hậu có một vảy nứt ra cũng không xài được ngoại trừ hai trường hợp sau đây:

1. Bể Biên
Hàng Quách cũng có một vảy bể ra thì gọi là “Bể Biên Khai Hậu” là cậu gà nòi. Ấy là điềm lành. Bể biên đây không phải là bể hàng biên mà là một vảy ở hàng Quách bể ra. Bể hay khai cũng đồng nghĩa. Câu “Bể biên khai hậu” hơi tối nghĩa và dễ hiểu lầm. Phải chi sách vở gọi là “Bể Quách Khai Hậu” thì ít có ai hiểu lầm.

2. Quấn Cán
Kê Kinh có chép:
“Rằng mà khai hậu nhỏ to
Mà có quấn cán chẳng lo chút nào.”

Hàng tiền có thêm một vảy Vấn Cán, (còn gọi là Quấn Cán). Vảy vấn cán là một vảy dài vấn ngang quản từ Thành qua Quách. (Tựa như vảy Án Thiên hoặc Phủ Ðịa nhưng địa điểm là từ hàng vảy thứ tư trở xuống và trên cựa.)

Đa Hậu
Hàng hậu xuống tới cựa nhưng bị chia ra thành hai hoặc ba hàng vảy thì thất cách nên còn gọi là thất hậu

Tiếp tục kê kinh diễn nghĩa thì:

121. Ai ơi áp khẩu chỉ ra,
122. Tài hay lụn bại thêm là phí công.

Có hai tài liệu về vảy Áp Khẩu. Theo nhiều tác giả danh tiếng (Mộng lang xin tạm giấu tên) thì vảy Áp Khẩu là ở ngón Thới có một hàng vảy bình thường đột nhiên có một vảy chia đôi thành hai vảy. Nhưng tài liệu hình vẽ vảy áp khẩu như vậy không đúng như Kê Kinh.

Tài liệu thứ hai về vảy Áp Khẩu của tác giả Vũ Hồng Anh thì vảy Áp Khẩu là đường chỉ chẻ ra và sổ dài từ gối xuống chậu và đổ ra rãnh giữa ngón Nội và ngón Chúa (điểm B) hoặc sổ xuống rãnh giữa ngón Chúa và ngón Ngoại (điểm A) theo như câu “hoặc ngoại hoặc chính trung tâm”. Hình này Mộng lang vẽ phỏng theo hình của tác giả Vũ Hồng Anh.

Kê Kinh chép:
Áp khẩu đường chém chẻ hai,
Đóng trên các vảy xổ dài xuống ngay.
Ấy vảy nó chỉ ra rày.
Vảy ấy là nó như bày cây kim.
Hoặc ngoại hoặc chính trung tâm,
Nuôi thì tốn lúa lại thêm thua tiền.

Theo Kinh thì hình vẽ vảy Áp khẩu của tác giả Vũ Hồng Anh có phần chính xác hơn. Mộng lang xét thấy chính xác hơn chứ bản thân mình chưa từng thấy qua nên không dám kết luận. Theo như trong kinh thì vảy này là một đường chỉ chém băng qua các vảy như một cây kim. Có lẽ nó phải là một đường chỉ thẳng băng thì đúng như trong kinh hơn.

Gà có vảy Áp Khẩu là gà xấu, không thể đem ra trường được.

123. Đôi chân thủy được như sông,
124. Vảy khô như chết móng rồng phải kiêng.

Vảy chân của gà chọi mỏng và trong như mặt nước sông thì ra đòn rất nhanh. Gà có vảy trong và mỏng thì dùng cho gà cựa thì tốt. Đối với gà đòn thì nên chọn vảy khô và lởm chởm như vảy gà chết vì gà có vảy khô tuy ra đòn chậm nhưng đá đau thấu xương.

Kê Kinh có câu:
Bất câu xanh xám trắng ngà,
Ðường đất cho nhỏ vảy mà cho trong…….
Khai mương vảy dóng khô vi
Chơn như gà chết võ thuần chẳng sai.

Vảy trong và mỏng thì đường đất phải cho nhỏ, vảy khô thì Thành và Quách phải nổi cao (còn gọi là hàm rập hoặc khai mương) thì mới tốt.

Cũng theo Kê Kinh thì:
…Vảy đóng cho mỏng chân dày phân ba
Ngón dài nhỏ thắt tằm nga.
Đường đất như chỉ đóng xà cựa kim.
……Cho hay là thể thuần văn
Địch cùng võ thể mười phần toàn công.

Và:
…..Vảy thời to kịch hình dung võ toàn,
Đá thời động địa kinh thiên,
Sánh cùng văn thể thủ thành đặng đâu.

Xem thế thì gà chọi có vảy khô như vảy gà chết thì thuộc dòng Võ. Gà có vảy mỏng và trong như mặt nước sông thì thuộc dòng Văn. Văn quan ăn võ quan. Tuy nhiên, tất cả còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác

Khi một con thần kê thác đi thì các Sư Kê thường giữ lại cặp chân gà để nghiên cứu. Chân gà chết lâu ngày thì thịt teo và vảy khô lởm chởm. Đoạn này mô tả vảy khô như vảy gà chết là vậy.

Mình không có tài liệu về móng rồng mà chỉ có tài liệu về vảy rồng thôi.
Vảy gà xếp lên nhau theo hình thức “Nhân Tự” 人 là gà quý.
Theo Hán văn thì:

Nhân = người
Tự = chữ.

Gà có vảy nhân tự xếp lên nhau trông giống như Chưởng”.

125. “Tam Tài” đòn quý đòn thiêng,
126. Nó hay quăng đá bất kiêng chẳng nề.

Vảy Tam Tài đã được mô tả trong những trang trước. Ngoài ra, khi vảy phủ địa mà có ba cái thì nó đựơc gọi là Tam Tài Phủ Địa, 3 vảy Huyền Châm thì gọi là Tam Tài Huyền Châm v.v.
Gà đá quăng là nạp đòn mà không cần phải núm đầu hay lông đối thủ.

127. Chân nào tứ trụ đa thê,
128. Đòn hay hiểm hóc vỗ về nước khuya,

(Theo ít nhất là 2 danh sư thì vảy Tứ Trụ là 4 vảy dặm ngang cựa mà chia đều nhau, không vảy nào lớn nhỏ. Tài liệu vảy Tứ Trụ của các danh sư kém phần chính xác, hình vẽ chưa hợp lý, bổn Tự cần phái thuộc hạ đi nghiên cứu thêm.

 

129. “Lạc ma hàm cốc” cũng khuya,
130. Còn như ám chỉ ra tia độc đòn.

Vảy Lạc Ma Hàm Cốc là một vảy có hình tròn thuộc hàng Quách nằm dưới cựa. Theo như Ðạo Kê thì gà có vảy này rất bền nước khuya.

Gà có vảy này ưa bay cao, đá mép, đá hầu và đá tạt rất giỏi.

Ám Chỉ tức là Nguyệt Ám Chỉ. Ðường chỉ này nhỏ xíu quấn ngang sát gối từ Quách qua Thành hình ánh trăng lưỡi liềm. Gà có chỉ này ra đòn độc địa na ná như phép Nhất Dương Chỉ của nhà họ Ðoàn :). Chỉ này còn đựơc gọi là Chỉ Nguyệt Anh. Theo một vài danh sư thì gà có chỉ này rất may độ.

131. Xuyên thành hổ trảo nhiều con,
132. chém như dao cắt địch bon chạy dài.

Xuyên Thành là hai vảy dưới cựa sát nhau của hàng Thành có đường nứt. Ðịa điểm của vày này là khoảng dưới cựa. Gà có Xuyên Thành tung đòn nặng nề đủ làm gãy cổ đối thủ.

Nếu vảy Xuyên Thành mà nằm ở hàng Quách thì nó có tên là Phả Công, (có nơi gọi là Tả Công). Gà có Phả Công chuyên đá tạt rất hung dữ.

Theo danh sư Phan Kim Hồng Phúc thì vảy hổ trảo là chân gà có vảy lốm đốm xanh, đen, hoặc đỏ. Gà có vảy này đá chắc đòn. Mộng lang không có tài liệu hình vẽ của vảy này.

133. Cẳng nào vấn án hoành khai,
134. Khôn lanh như chớp chẳng sai nhiều đường.

 
Có ít nhất là 3 sự dị biệt giữa các danh sư về vảy Vấn Án Hành Khai.

Theo danh sư Huỳnh Ngọc Trảng thì vảy Vấn Án Hành Khai là 1 vảy vấn có 1 đường nứt ở giữa, vảy này nằm tại cựa hay từ cựa tới chậu thì tốt hơn nằm ở quản gà.

Xem ra thì vảy này gần giống vảy Lộc Ðiền Tự nhưng khác nhau ở đường đất chia đôi. Lộc Ðiền Tự có đường đất chia đôi. Vấn Án Hành Khai cũng có đường chia đôi nhưng chỉ là đường nứt.

135. “Hổ đầu” “hắc bạch” phải thương,

Hổ đầu có thể là Hổ Ðầu Nhâm – ngón chúa có nhiều vết đốm khoang nhỏ li ti. Gà có Hổ Đầu Nhâm ra đòn cực mạnh từ nước hai đổ đi.

Ngoài ra, ngón chúa có một dặm nhỏ ở vảy đầu tiên sát móng thì gọi là Hổ Đầu. Cũng tại điểm này mà có vảy Nhân Tự thì gọi là Nhân Tự Ðầu Hổ. Tất cả đều là vảy của gà dữ.

Hắc tức là Hắc Hổ Thới. Các ngón của hai chân đều có móng trắng duy ngón Thới có móng đen cả hai chân thì gọi là Hắc Hổ Thới. Gà này giao tống mạnh.

Bạch tức Bạch Ðầu Chỉ. Tất cả các móng đều đen duy ngón chúa của cả hai chân có móng trắng. Gà có Bạch Đầu Chỉ có biệt tài song phi và đá tạt.

Vảy này gởi riêng cho Nhị Ca.
Theo danh sư Huỳnh Ngọc Trảng thì Độ Tam Tằng là độ có hai hàng kẽm kèm theo hộ vệ hai bên. Một hàng kẽm ở bên hàng Quách và một hàng kẽm ở bên hàng Hậu.

Nếu nhìn từ sau cựa của gà và đi theo chiều kim đồng hồ vòng ra phía trước thành một vòng tròn thì chúng ta sẽ có những hàng vảy như sau:

Độ/Kẽm/Quách/Thành/Biên/Hậu/Kẽm/Độ.

Và như thế thì chúng ta trở lại vị trí ban đầu là Độ.
Theo danh sư Huỳnh Ngọc Trảng thì gà có độ tam tằng rất tốt

Sự khác biệt gữa hai vảy Vấn Án Hành Khai và Ðâu Ðầu là “đường nứt ở giữa”.
Khi gà còn nhỏ thì vảy Vấn Án Hành Khai chỉ là một vảy vấn (quấn). Nhưng khi trưởng thành hoặc về già thì có đường nứt chia đôi vảy vấn nên gọi là Vấn Án Hành Khai. Còn vảy Ðâu Ðầu thì ở giữa chỉ là đường đất bình thường. (không phải đường nứt.)

Có khá nhiều dị biệt giữa các danh sư về hình thức của vảy này nhưng Mộng lang chỉ chọn làm tài liệu những vảy nào có hình thức đúng như tên gọi hoặc đúng như Kê Kinh mô tả mà thôi.

Tên gọi của vảy Vấn Án Hành Khai theo bổn sư hiểu thì là một vảy quấn (Vấn) bị nứt (Khai) một đường (Hành), trấn ngự phía trước (Án).

Tiếp tục Ðạo Kê thì:

136. Như thương “ẩn địa” “giáp cương” là thường.

Vảy Ẩn Ðịa nằm ẩn ở dưới vảy Phủ Ðịa. Vảy Phủ Ðịa là một vảy vấn nằm dưới tất cả các vảy của quản gà. Khi khẽ lật mí vảy Phủ Ðịa lên thì sẽ thấy vảy Ẩn Ðịa nếu có.

Lưu ý: Ðừng lộn vảy Ẩn Ðịa với vảy Yểm Ðịa.

Mộng Lang không có tài liệu của “giáp cương”.

137. Nhật thần hổ khẩu khai vương,
138. Chỉ tài võ nghệ cao cường phải ra.

Theo Kê Kinh thì vảy Nhật Thần là vảy có thể chống đỡ được đao thương.
Nhật thần vảy đóng ở đâu,
Nó đóng ngang cựa để hầu phòng thương……..

Cũng theo Kê Kinh thì hình thức của vảy Nhật Thần là một liên giáp có đường nứt ở giữa như câu:
Liên giáp hai vảy dính liền
Liên giáp nứt giữa, nhựt thần rất hay.

Có sách cho rằng vảy Nhật Thần có hình tròn. Nhưng Kê Kinh chỉ nói rằng vảy Nhật Thần là một Liên Giáp đóng tại hàng Quách do hai vảy dính liền nhau (giống như Hổ Khẩu) nhưng có thêm đường nứt ở giữa mà thôi.

Bất kể vảy Nhật Thần có hình tròn hay ngũ giác nhưng điểm quan trọng là phải có đường nứt ở giữa và đóng ngang cựa. Nếu không có đường nứt ở giữa hoặc đóng nơi khác thì không phải là Nhật Thần.

Chiến kê có vảy Nhật Thần ra đòn long trời lở đất. Ðường nứt ở giữa của vảy tựa như một lời cảnh cáo cho những địch thủ chán sống.

Vảy Nhật Thần và Hổ Khẩu đều là Liên Giáp Nội đóng tại cựa. Liên Giáp Nội là hai vảy ở hàng Quách dính liền nhau không có đường đất ngăn đôi.

Vảy Hổ Khẩu không có đường nứt chia đôi.

Vảy Khai Vương là 4 vảy vấn đóng ở giữa chậu và có một đường khai (nứt) chạy băng qua vảy thứ hai và ba. Ðường nứt tạo ra chữ Vương 王

Kê Kinh viết:
Khai vương giữa chậu hai bên
Chẳng sớm thì muộn không quên đòn tài.

Vảy Khai Vương phải đóng dưới cựa và càng sát chậu càng tốt. Vảy Khai Vương mà đóng trên cựa thì thất cách.

Có sách mô tả vảy Khai Vương đựơc tạo ra bởi hai vảy vấn chứ không phải 4 vảy vấn. Mộng lang chọn dùng loại 4 vảy vấn vì bản thân đã từng đựơc xem qua, loại 2 vảy vấn bị trùng tên với vảy Gạc Thập.

Có một số Sư Kê không thích vảy Khai Vương vì tuy rằng vảy này là vảy tài nhưng gà lại ít gặp may.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x